- 03/04/2019
- 1729 lượt xem
- Tin tức
XÂY DỰNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CÁ BỚP HÒN CHUỐI – CÀ MAU Nước ta...
XÂY DỰNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM
CÁ BỚP HÒN CHUỐI – CÀ MAU
Nước ta có nhiều sản phẩm nổi tiếng gắn với mỗi địa danh. Địa danh được gắn với tên sản phẩm như thế là để phân biệt sản phẩm được sản xuất tại vùng mang địa danh này với sản phẩm cùng loại được sản xuất tại các vùng ở địa danh khác. Lợi ích từ việc bảo hộ sản phẩm đặc trưng gắn với tên địa danh của mỗi địa phương là rất lớn, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương có tên địa danh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với các sản phẩm đặc trưng địa phương đó. Cá bớp là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng gắn với địa danh của đảo Hòn Chuối.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình Sở hữu trí tuệ tỉnh Cà Mau: “Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản của địa phương giai đoạn 2015 – 2020” đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt; ý thức được tầm quan trọng của sản phẩm cá bớp đối với địa phương, thời gian qua, Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm làm chủ trì đã xây dựng Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cá bớp Hòn Chuối – Cà Mau” nhằm quảng bá sản phẩm cá bớp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ uy tín cho người sản xuất, kinh doanh; giúp người dân an tâm hơn trong sản xuất và tiêu thụ, đồng thời các ngành chức năng có điều kiện quản lý tốt về quy trình nuôi, khai thác và tiêu thụ cũng như kiểm soát được chất lượng của sản phẩm.
Chương trình Sở hữu trí tuệ: “Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản của địa phương giai đoạn 2015 – 2020” đến nay đã thực hiện được 4 năm, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xây dựng được 9 dự án, với 12 sản phẩm đặc sản, đặc thù ở các địa phương trong tỉnh gồm: 1) đối với nhãn hiệu tập thể, gồm các sản phẩm: Mật ong U Minh Hạ; tôm khô Rạch Gốc; cá khô bổi U Minh; cua Năm Căn; cá chình cá bống tượng Tân Thành – Cà Mau; cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau; chuối khô Trần Hợi; bánh phồng tôm Mũi Cà Mau; 2) đối với nhãn hiệu chứng nhận, gồm các sản phẩm: gạo Một Bụi lùn; gạo Tài Nguyên đục; gạo Tép hành.
Hiện đang triển khai thêm 1 Dự án với 1 sản phẩm cá bớp Hòn Chuối – Cà Mau. Ngày 22/3/2019, Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức lớp Tập huấn nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận, giới thiệu thêm những vấn đề có liên quan, những kinh nghiệm, các hình thức sử dụng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận đạt hiệu quả tại một số địa phương ngoài tỉnh để giới thiệu đến các cơ quan quản lý, các hộ dân nuôi cá bớp trên đảo Hòn Chuối để hướng đến được cấp nhãn hiệu chứng nhận “cá bớp Hòn Chuối – Cà Mau”.
Việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận còn là một điều kiện, một giấy thông hành để cá bớp Hòn Chuối – Cà Mau đáp ứng được yêu cầu hội nhập và thị trường sâu rộng của cả nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá tên tuổi của địa phương đến đông đảo khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Phương Linh