- 08/12/2023
- 2348 lượt xem
- Tin tức
Đại học Arizona, Hoa Kỳ thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh thủy sản” cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau.
ĐẠI HỌC ARIZONA, HOA KỲ THỰC HIỆN DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHẨN ĐOÁN BỆNH THỦY SẢN” CÙNG SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH CÀ MAU
Thực hiện Công văn số 2519/UBND-KT ngày 11/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc thực hiện các giải pháp phát triển ngành thủy sản Cà Mau. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 174/QĐ-SKHCN ngày 04/7/2023 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc giao nhiệm vụ thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh thủy sản” cho Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm (Trung tâm). Nội dung của Dự án bao gồm: Cử một viên chức đến Đại học Arizona tham gia đào tạo về bệnh thủy sản và kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây chết cua tại tỉnh Cà Mau, đào tạo trực tuyến và trực tiếp tại phòng kiểm nghiệm thuộc Trung tâm. Kết thúc Dự án
Ngày 19/11/2023, đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, Giáo sư, Tiến sĩ. Arun K Dhar và Tiến sĩ, nhà khoa học III. Mai Nam Hưng đã đến và làm việc cùng Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Qua trao đổi, thảo luận và giải đáp những vấn đề của Đoàn công tác về những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển sinh kế của người dân tại địa phương, đánh giá đa dạng sinh học, bảo tồn, khai thác và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Đoàn đã khảo sát thực tế tại khu vực bãi bồi giáp biển Tây và khu vực tiếp giáp biển Đông, khảo sát về đa dạng loài và đặc biệt là nuôi tôm, cua dưới tán rừng.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Từ ngày 20 đến ngày 24/11/2023, hai chuyên gia đến và làm việc cùng Sở Khoa học và Công nghệ. Tham dự khóa đào tạo gồm có: Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau. Sau khi Dự án kết thúc và đạt được những kết quả: Được trao đổi, học tập cùng các chuyên gia quốc tế; Trung tâm có thể tự sản xuất kít chẩn đoán bệnh trên thủy sản phù hợp theo quy định; thử nghiêm thành thạo đối với các chỉ tiêu bệnh trên tôm cùng các phòng thử nghiệm trên thế giới; nghiên cứu sơ bộ về nguyên nhân gây chết trên cua (Scylla sp.) tại Cà Mau bằng phương pháp mô học, Realtime PCR và giải trình tự DNA hoặc RNA để tìm ra tác nhân gây bệnh trên cua.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, chuyên gia Đại học Arizona chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại buổi kết thúc làm việc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh mong muốn các chuyên gia tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ Sở trong triển khai các chương trình cụ thể như: Đào tạo, tập huấn chuyển giao và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu về thế mạnh đặc thù của tỉnh Cà Mau là thủy sản thông qua các chương trình dự án và tiếp cận được các nguồn quỹ trên thế giới… Qua đó, góp phần giúp tỉnh Cà Mau nói chung và Sở Khoa học và Công nghệ nói riêng đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới.
Lê Tố Trâm