- 21/10/2020
- 1661 lượt xem
- Tin tức
Thuốc bảo vệ thực vật - ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường; nguyên tắc sử dụng an toàn
THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT - ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG; NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG AN TOÀN
--------------------
1. Tổng quan về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, phá hủy, đẩy lùi, tiêu diệt hoặc giảm nhẹ côn trùng, cỏ dại, động vật; điều hòa sinh trưởng thực vật.
Hình 1
Việc sử dụng thuốc BVTV trên toàn thế giới từ năm 1990 đến 2016
(trích từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc)
Popetal (2013) nhận định rằng dân số thế giới sẽ tăng khoảng 30% đến khoảng 9,7 tỷ người trong năm 2050. Điều này tạo ra khoảng 70% nhu cầu sản xuất thực phẩm. Thật vậy, thuốc BVTV là hóa chất thiết yếu đã được sử dụng trong nông nghiệp nhằm mục đích kiểm soát sinh vật gây hại hiệu quả. Để bảo vệ mùa vụ, lượng thuốc BVTV sử dụng năm 2016 hầu như gấp đôi so với năm 1990 (hình 1).
Các nước Châu Á chiếm khoảng 53% lượng thuốc BVTV tiêu thụ trong năm 2016. Trung Quốc là nước dẫn đầu với khoảng 1.400.000 tấn, theo sau là Mỹ, Brazil với lần lượt là 406.603 và 210.057 tấn.
Việt Nam là một nước đang phát triển với dân số khoảng 97 triệu người (2020). Mùa vụ chính dựa trên lúa, bắp, mía đường, bông, đậu. Diện tích gieo trồng lúa khoảng 7.790.000 hecta, chiếm diện tích nông nghiệp lớn nhất trong toàn nước. Với diện tích đất nông nghiệp cao 75% (2016), Việt Nam đã sớm sử dụng thuốc BVTV cho việc cải thiện năng suất mùa vụ kể từ những năm 1960.
2. Phân loại thuốc BVTV và phương thức hoạt động
Thuốc BVTV được chia theo mục đích sử dụng. Có ba nhóm chính bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm mốc và một số loại khác như thuốc diệt nhuyễn thể, thuốc điều hòa sinh trưởng, thuốc diệt các loài gặm nhấm.
Thuốc trừ cỏ: Sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt cỏ dại và các loài cây không mong muốn. Thuốc BVTV hoạt động như là một chất ức chế trong quá trình tổng hợp amino acid, là những khối xây dựng cho thực vật sinh trưởng và phát triển. Một loại nữa là ức chế việc phân chia tế bào. Chúng phản ứng với tubulin, một loại protein cần thiết trong việc hình thành bộ khung tế bào trong các tế bào nhân thực và hình thành các vi ống. Thuốc BVTV cũng được sử dụng để ngăn chặn quá trình quang hợp trong cây bởi tạo ra các gốc tự do, làm tắc nghẽn sự vận chuyển các electron.
Thuốc trừ sâu: Côn trùng và các động vật chân đốt bị tiêu diệt bởi thuốc trừ sâu. Chúng ngăn chặn hệ thống tín hiệu trong hệ thống thần kinh. Các lỗ trong cấu trúc lipoprotein của côn trùng phản ứng với thuốc trừ sâu và gây ra sự biến dạng và kích thích sự dẫn truyền các xung thần kinh. Một mục tiêu nữa của thuốc trừ sâu là acetylcholinesterase (AChE). Enzyme này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh của động vật, loại trừ thực vật. Vai trò của AChE là thủy phân acetylcholine (AChl), một dẫn truyền thần kinh kích thích sự co thắt của cơ bắp. Thuốc BVTV liên kết với bề mặt hoạt động của AChE để hình thành phosphorylated enzyme. Cuối cùng, benzoylurea có thể ngăn chặn quá trình tổng hợp chitin của lớp biểu bì trong côn trùng bởi tương tác với các đơn vị n-acetylglucosamine.
Thuốc trừ nấm: Mục tiêu chính của thuốc diệt nấm là nhóm sulfurhydryl (-SH), là nhóm hoạt động của nhiều enzyme. Việc ức chế cũng có thể xảy ra bởi sự hình thành phức chất của hóa chất hoạt hóa với các enzyme chứa kim loại. Hơn nữa, chúng có thể ức chế sự tổng hợp ergosterol trong nấm mốc.
3. Ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với môi trường
Việc sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng trong ngành nông nghiệp đã làm cho môi trường nước, không khí và đất ngày càng ô nhiễm. Mặc dù một lượng lớn thuốc BVTV được sử dụng, khoảng 1% thuốc BVTV có thể ảnh hưởng đến mục tiêu, còn lại phát tán vào môi trường. Một vài thuốc BVTV gốc clo như dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT), hexachlorohexane (HCH), endosulfan rất ổn định trong môi trường. Chúng có thể tồn tại trong môi trường từ vài tháng đến vài năm. Các hợp chất này có thể tích tụ sinh học và đạt đến ngưỡng độc hại của chúng. Thật vậy, sử dụng liên tục thuốc trừ sâu sẽ làm mất sự đa dạng sinh học và hệ thống sinh thái.
Hình 2
Các con đường thuốc BVTV tiếp xúc với con người và ảnh hưởng đến môi trường được đề xuất.
4. Ảnh hưởng của thuốc BVTV lên sức khỏe con người
Con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV thông qua hoạt động nghề nghiệp, nông nghiệp, công việc nhà hoặc không trực tiếp thông qua thực phẩm. Da, miệng, mắt, thở là bốn con đường phổ biến mà thuốc BVTV có thể xâm nhập vào cơ thể con người (hình 2). Sự phơi nhiễm liên tục với thuốc trừ sâu đã dẫn đến với nhiều loại bệnh khác nhau trên con người bao gồm khả năng gây ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, khả năng sinh sản, trao đổi chất và phát triển của con người.
Tiếp xúc với da: Tiếp xúc với da là con đường hiệu quả và phổ biến khi con người tiếp xúc với thuốc BVTV. Nông dân phơi nhiễm với thuốc BVTV trong suốt quá trình chuẩn bị và phun dung dịch thuốc. Các phương pháp xử lý như trộn, lắc, phun, và vệ sinh dụng cụ phun thuốc làm hấp thụ thuốc BVTV trên da. Tính độc hại của thuốc đối với da còn phụ thuộc vào thời gian phơi nhiễm, cấu trúc và nơi cơ thể bị nhiễm. Sự hấp thụ của dung dịch thuốc trừ sâu chứa dung môi hay dầu trên da nhanh hơn dạng khô. Thêm nữa, lượng thuốc BVTV được hấp thụ phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể. Tay là phần dễ bị nhiễm thuốc BVTV nhất.
Tiếp xúc bằng miệng: Các bệnh, vết thương nguy hiểm, thậm chí là chết được gây ra bởi sự xâm nhập của thuốc BVTV vào cơ thể thông qua việc tiếp xúc bằng miệng. Việc sử dụng có mục đích và tình cờ bởi con người gây ra sự ngộ độc nguy hiểm. Ví dụ, các cá nhân hút thuốc hoặc ăn thực phẩm mà không rửa tay sau khi phun thuốc trừ sâu. Hơn nữa, thuốc BVTV có thể bị uống nhầm do chai đựng thuốc với nhãn hiệu sai sau khi chuyển thuốc sang một chai khác. Trong một vài trường hợp, con người bị ngộ độc bởi việc uống thuốc trừ sâu nhằm mục đích tự tử. Sau khi uống thuốc, thuốc xâm nhập vào cơ thể, đi đến đường tiêu hóa thông qua hệ thống ruột. Ngay lập tức, chúng phân tán trong toàn bộ cơ thể thông qua dòng máu và gây độc đến con người.
Tiếp xúc qua đường hô hấp: Hít phải thuốc trừ sâu bằng mũi, họng có thể gây ra những vấn đề nghiệm trọng đối với sức khỏe con người thông qua mô phổi. Sự hấp thụ nhanh hơi và các hạt nhỏ thuốc trừ sâu trong quá trình phun làm tăng việc phơi nhiễm thông qua đường hô hấp. Mức độ ngộ độc có thể được làm giảm bằng cách pha loãng dung dịch phun và phun ở áp suất thấp do tạo ra các giọt dung dịch lớn hơn. Ngược lại, thiết bị phun tạo ra áp suất cao, thể tích siêu nhỏ và hình thành hơi sương làm tăng mức độ ngộ độc do sự xâm nhập các hạt nhỏ vào cơ thể con người.
Tiếp xúc qua mắt: Thuốc BVTV sở hữu mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với mắt thông qua sự hấp thụ nhanh xuyên qua màng mắt. Mối nguy này phụ thuộc vào kích cỡ và khối lượng của các phân tử riêng lẻ. Khi người phun sử dụng thiết bị mạnh để phun, khuấy dung dịch thuốc trừ sâu, chúng có thể tung lên và gây nguy hại đối với mắt cũng như việc ngộ độc.
5. Một số nguyên tắc an toàn trong sử dụng thuốc BVTV
Để thuốc BVTV phát huy tối đa hiệu quả phòng trừ đối tượng gây hại thì nhà nông cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách.
* Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV còn phải chú ý đến các nguyên tắc về an toàn sử dụng thuốc như là:
a) Thuốc phải được cất giữ nơi cao có khóa cẩn thận xa tầm với của trẻ em.
b) Đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng. Chỉ dùng thuốc khi đã được đăng ký chính thức (ghi trên nhãn).
c) Mang dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc như khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ. Cần lưu ý đặc biệt cho thuốc xử lý hạt giống.
d) Cẩn thận khi pha thuốc để tránh thuốc tiếp xúc vào da, mắt, ...
đ) Kiểm tra bình phun trước khi sử dụng. Nên rửa bình phun kỹ trước và sau khi sử dụng.
e) Không phun ngược chiều gió.
g) Không ăn, uống trong khi tiếp xúc với thuốc.
h) Tắm rửa sạch sau khi tiếp xúc với thuốc.
i) Thu gom bao bì đã qua sử dụng, không vứt bừa bãi, đặc biệt là ở nơi gần nguồn nước.
Hình 3
Một số hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV
(Trích từ trang thông tin Bayer CropScience Việt Nam)
Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần thiết. Hoạt động thử nghiệm có vai trò rất quan trọng nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm; tăng cường quản lý, phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng tồn dư của thuốc BVTV, hóa chất trong thực phẩm. Thực trạng, tại địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay, một số phòng thử nghiệm trọng điểm như Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản Vùng 5 và Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã được đầu tư một số hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ cho việc thử nghiệm đa ngành. Tuy nhiên, để phân tích được hầu hết các nhóm chỉ tiêu về thuốc BVTV thì cần đầu tư các hệ thống máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và chi phí đầu tư khá lớn. Các thiết bị hiện đại cần thiết cho phân tích thuốc BVTV như: Hệ thống thiết bị GC-MS (đã được đầu tư); Hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) ghép với các đầu dò tương ứng; Sắc ký lỏng ghép khối phổ (LC-MS).
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương cần quan tâm, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Quy hoạch và định hướng tập trung hoạt động thử nghiệm của tỉnh để tránh đầu tư dàn trải; phát huy tối đa hiệu quả hoạt động thử nghiệm; nâng cấp, đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại để tăng cường năng lực thử nghiệm và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Khuyến cáo người dân quan tâm, có trách nhiệm trong việc kiểm soát, quản lý lượng hóa chất, tồn dư thuốc BVTV để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và sức khỏe của cộng đồng.
TS. Hứa Quốc Trung