- 09/08/2024
- 375 lượt xem
- Tin tức
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nuôi trông thủy sản và giải pháp công nghệ đối với ngành tôm, cua tỉnh Cà Mau”
Ngày 10/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Chuyên gia trong và ngoài nước (Chuyên gia Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO); Trường Đại học; Viện, Phân viện nghiên cứu; Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,....). Tổ chức thành công Hội thảo Chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong nuôi trông thủy sản và giải pháp công nghệ đối với ngành tôm, cua tỉnh Cà Mau”, có hơn 118 đại biểu tham dự.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì Cà Mau đứng đầu về sản lượng tôm trong quý I năm 2024 với 56.509 tấn (trong đó, 22.942 tấn tôm sú, 33.567 tấn tôm thẻ chân trắng). Kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD; chiếm 40% về diện tích, chiếm 22% sản lượng và gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Bên cạnh tôm nuôi nước lợ, cua biển được đánh giá là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao chỉ sau tôm. Trong những năm gần đây, nghề nuôi cua Cà Mau đã có sự phát triển nhanh về diện tích, sản lượng, nâng cao chất lượng, từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nuôi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, diện tích nuôi cua của tỉnh khoảng 252.000 ha, sản lượng đạt 24.500 tấn, loại hình nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến kết hợp với tôm sú và các đối tượng thủy sản khác. Tôm sú và cua Cà Mau đã phát triển thành thương hiệu được nhiều khách hàng trong nước và thế giới biết đến. Năm 2022 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” dùng cho sản phẩm cua thương phẩm của tình Cà Mau theo Quyết định số 2576/QĐ-SHTT ngày 08/6/2022 và chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 4287/QĐ-SHTT ngày 30/9/2024.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm, cua của tỉnh Cà Mau đang đứng trước những thách thức như: biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; bệnh xuất hiện trên diện rộng; sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế; thị trường nhập khẩu thủy sản yêu cầu khắc khe hơn về kỹ thuật nhằm đáp ứng vùng nuôi an toàn, truy xuất được nguồn gốc, quá trình sản xuất phải thân thiện môi trường; đầu tư hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; đổi mới sáng tạo trong ngành tôm, cua chưa nhiều; công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa tạo được sự đột phá. Do đó, theo chủ trương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tại Công văn số 4182/UBND-KGVX ngày 28/5/2024, Sở Khoa học và tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản và giải pháp công nghệ đối với ngành tôm, cua tỉnh Cà Mau”. Kinh phí tổ chức Hội thảo do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO) hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án khung đánh giá chính sách đổi mới sáng tạo và phối hợp với Bộ KH&CN thực hiện trong thời gian 1,5 năm. Hội thảo nhằm tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo của nông nghiệp Úc, chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản Việt Nam từ góc độ đổi mới sáng tạo và thách thức của ngành tôm, cua của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Cà Mau để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm kết quả nghiên cứu trên tôm, cua biển đến các viện, trường và các đơn vị nghiên cứu có liên quan; tăng cường quan hệ hợp tác giữa nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhà khoa học với các doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển bền vững ngành tôm, cua tỉnh Cà Mau. Hội thảo nhận được sự tham dự của 118 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng; nhà quản lý, nhà khoa học ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học; đại diện các sở ban ngành cấp tỉnh, UBND, phòng kinh tế, phòng nông nghiệp các huyện và thành phố Cà Mau; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trên hoạt động lĩnh vực thủy sản. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự chủ trì của ThS. Phan Tấn Thanh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, đồng chủ trì là bà Tiến sĩ Phạm Thu Hiền ‑ Chuyên gia cao cấp của Tổ chức CSIRO và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hoa - Đại học Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ.
Hội thảo nhằm phát huy, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện có; tiếp tục ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc tế (như nông nghiệp Úc), chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản Việt Nam từ góc độ đổi mới sáng tạo, thách thức của ngành tôm, cua của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Cà Mau để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ các kết quả nghiên cứu trên tôm, cua biển từ các viện, trường và các đơn vị nghiên cứu có liên quan; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhà khoa học với các doanh nghiệp và người dân đối với con giống và phòng trừ dịch bệnh tôm, cua tỉnh Cà Mau; phát triển ngành nuôi tôm, cua theo công nghệ cao gắn với việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hạn chế dịch bệnh; giảm thấp nhất chi phí đầu vào và gia tăng tối đa lợi nhuận, góp phần tạo và kỹ thuật nuôi tôm, cua bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Lê Tố Trâm
Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm tỉnh Cà Mau